Những năm đầu thập niên 80, cứ 5 chiều trên chuyến phà Rạch Miễu từ Bến Tre sang Mỹ Tho, người ta thấy có một cô bé da trắng, tóc dài, ôm cái cặp đi học tiếng Anh. Lúc đó ở Bến Tre chưa có trường dạy ngoại ngữ nào. Cô bé đó là người thứ 2 ở tỉnh có bằng C sau cô giáo dạy tiếng Anh của mình. Ai hỏi thì cô nói là "con muốn đi ra nước ngoài mở mang đầu óc, nên con phải biết tiếng của người ta".
Học xong cấp 3, cô thi vào trường trung cấp du lịch để học nghề, ban đêm cô còn học thêm tiếng Anh tại chức ở ĐH Sư phạm. Cô đam mê đi lại, di chuyển, phục vụ người khác nên quyết tâm chọn nghề hospitality (du lịch, phục vụ).
Vừa học vừa làm, sau 7 năm làm hướng dẫn viên du lịch một cách cật lực, cô quyết định nghỉ. Tiền tích luỹ, cô mang hết về mua đất ở một khu vực khá hẻo lánh cách thành phố Bến Tre 30 phút xe chạy. Lúc cô mua đất, ai cũng cười vì trên phố hem mua, tự nhiên đem tiền vô mua đâu tuốt trong làng, đâm đầu vô chỗ heo hút, toàn dừa và ruộng.
Cô nói kinh nghiệm đi mấy chục tỉnh thành, mấy chục nước khiến cô biết đây là mỏ vàng, vì không có nơi nào trên thế giới có cảnh vật con người văn hóa y chang vậy. Cô bèn cho người đắp đất, dựng chòi tranh liêu xiêu dưới mấy cây dừa (nhưng bên trong lại là phòng ngủ sang trọng như khách sạn 4 sao). Cô còn tự thiết kế tàu du lịch trên sông, tự ngồi đọc bản vẽ, tự đi chọn vật tư để đóng tàu, tự đăng ký kiểm định và làm mọi thứ. Từ đó, một miếng đất lau sậy đã biến thành một khu resort lung linh, đẹp như tranh vẽ (vấn đề là ai vẽ).
Dù đã là một bà chủ, hàng ngày cô vẫn bận áo bà ba, tự tay lựa và trồng cây để 100% diện tích xanh mát, cây cối mọc đan xen nhau một cách tự nhiên. Hiện resort sinh thái Mango Home Riverside đã giải quyết cho cả trăm lao động. Đội tàu khách hai ba chục chiếc, ngược xuôi trên sông, toàn Tây cả. Khách Tây nườm nượp mò đến, dù phải đi mất mấy tiếng đồng hồ từ sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng họ thích lắm, họ nói bây giờ mà resort mở đường lớn, dời ra mặt tiền, trong vườn thiết kế cảnh quan chỉnh chu thì tụi tao hem đến nữa. Gu du lịch của Tây khác gu Việt, cái này phải phục vụ họ nhiều mới nắm được.
Hàng ngày, khách Tây ở đây sẽ tham gia mọi hoạt động sản xuất kinh doanh như cư dân trong làng. Đi tát ao bắt cá, leo cây hái mận hái xoài hái dừa, chèo xuồng đi chợ xổm ngồi lê ăn hàng nói chuyện đôi mách, đi phụ nấu ăn đám giỗ nhà bên cạnh, tham gia làm bánh tráng mật ong lò bún này nọ…với dân địa phương. Dân trong làng giờ ai cũng nói chuyện tiếng Anh như gió. Bà bán bánh tét cũng biết đếm đô la và xài smartphone để theo dõi tỷ giá. Gặp Tây là tiếp thị liền, “Tét Cay hia, hu bai hu bai (đoán là Tét Cake here, who buy who buy)”.
Dù có biệt thự thiệt bự ở Phú Mỹ Hưng để cho thuê, di nước ngoài như đi siêu thị, cô vẫn dành phần lớn tiền bạc và thời gian để đầu tư ở huyện nhà. Cô nói, tại hồi xưa cô có lần thi học sinh giỏi huyện môn TỪ NGỮ, NGỮ PHÁP và đoạt giải khuyến khích. Mà một học sinh giỏi huyện thì phải đem thành tựu gì đó về cho huyện mình chớ.
Cô nhắn nhủ, nếu bạn từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố thì hãy làm cái gì đó đền ơn cho cho tỉnh, cho thành phố mình. Còn nếu từng là học sinh giỏi quốc gia thì phải có thành tựu, giúp quốc gia tăng Gi Đi Pi(GDP), tinh hoa mà, có phải người thường đâu. Cô nói vì cô bị rớt HSG tỉnh nên tài năng chỉ có chút xíu vầy. Nếu lúc đó cô đậu HSG tỉnh thì bây giờ khắp Bến Tre, huyện nào cũng có 1 cái resort. Còn nếu cô đậu HSG quốc gia thì giờ tỉnh thành nào cũng có một cơ ngơi làm ăn sản xuất kinh doanh, thành tập đoàn luôn. Nhưng hồi đó "tôi chỉ đậu giải cấp huyện" - cô ngậm ngùi chia sẻ. Rồi cô bật khóc. Dù sao cô vẫn là sản phẩm của nền giáo dục ham thành tích. Giờ nhận thức khác, cô chuyển qua ham thành tựu.
Cô còn là một mentor (hướng dẫn khởi nghiệp) cho tất cả các bạn trẻ Việt Nam có đam mê làm resort homestay trong làng trong xã để lấy tiền Tây. Các bạn có thể đăng ký các buổi thực tế tại resort của cô do StartUp Study Tour tổ chức nhé. KháchTây ở đó 1 đêm, cô lấy tới mấy trăm đô la, riêng các bạn trẻ khởi nghiệp thì cô chỉ lấy lại đúng chi phí tiền ăn tiền điện nước, còn chia sẻ tận tình miễn phí cách làm ăn nữa.
À, mà xuống đó gặp cô đừng nói là cô Nhung nhé, phải gọi là dì Nhung thì cổ mới chịu. Dân quê Nam Bộ mà, gọi cô nghe xa cách lắm người ơi.
Không có hình dì Nhung, trên mạng thấy có cô chèo thuyền này giống giống nên admin mượn đỡ. Hàng ngày Dì Nhung vẫn mặc bà ba màu hường chèo thuyền đưa du khách tham quan trên mấy con rạch. Dì hát cải lương bằng tiếng Anh cũng ngọt.
Chuyện dễ thương. Các bạn share nhau mà đọc. Bài này hem phải bài PR vì khách của Mango Home Riverside gần như 100% là khách Tây. Bài này đăng để các bạn xem bắt chước mô hình mà làm ở địa phương mình, kiếm đô la chơi cho vui.
Đăng nhận xét