Ad tình cờ dạo qua fanpage của các nhóm khởi nghiệp và đọc được lá thư này. Bạn đọc TnBs 3-4 năm rồi nên văn phong khá giống. Bài viết ngắn gọn, sâu thẳm trong đó là sự tự tin, cái cần thiết vô cùng với giới trẻ Việt.
Và văn hoá gia tộc ở châu Á, một mặt nó rất hay nhưng vẫn có nhiều hạn chế trên con đường hội nhập. Có nhiều cha mẹ làm bệ phóng cho con cái, nhưng cũng nhiều người kéo ghì con lại, không cho vì sợ, vì thương, vì muốn ở gần, vì muốn báo hiếu và nuôi dưỡng, sợ bỏ rơi, n lý do khác nhau để không cho những bạn trẻ đi lập nghiệp, khởi nghiệp, ra riêng.... Vấn đề là bạn trẻ phải đủ bản lĩnh để giải quyết. Chuyện nhà nhỏ xíu mà không giải quyết được thì có thể làm được gì. Các bạn xem bạn trẻ này đã giải quyết ra sao nhé.
" Thưa các bạn
Chuyện ví von gà, đại bàng ai trong chúng ta đều biết. Nhưng khác với "gà chỉ đẻ ra gà, đại bàng phải có cha mẹ là đại bàng", con người là một trường hợp đặc biệt. Muốn thành gà hay đại bàng đều do cái đầu mình quyết định.
Ông Steve Jobs, Bill Gates, chú Jack Ma, chú Thanh Mỹ (Mỹ Lan) ở Trà Vinh, chú Bên (Cỏ May) ở Đồng Tháp, cô Ba Huân, cô Nga Dược Hậu Giang,....cơ thể sinh học hem có gì khác mình hết. Nhưng suy nghĩ, nhận thức của họ khác nên họ thành người khác.
Xưa mình từng là gà. Sau đó nhận thức thay đổi mà thành đại bàng
Mình tốt nghiệp ở một ĐH có điểm đầu vào cao nhất nhì ở Tp HCM, xong đi vô các tập đoàn đa quốc gia làm lương tính bằng đô la Mỹ, tối đi uống "dịu" nhảy nhót bar biếc này nọ, nhưng mình hem cảm thấy vui. Có cái gì đó thiếu thiếu.
Sau đó mình bỏ hết tiền tiết kiệm để đi chơi, ban đầu cũng theo kiểu "gà", chuyện gì cá nhân cũng hay kể cho gia đình bạn bè. Rồi bị họ ý kiến phản đối, phân tích, khuyên răn này nọ bắt ớn. May mà mình đọc 2 cuốn sách của người ấy rồi nên hem quan tâm, tiền của mình làm ra, mình làm gì kệ mình chứ.
Đi lang thang lãng du mãi, tự dưng mình thành đại bàng lúc nào hem hay. Mới biết cái mình thiếu xưa kia là không gian để vẫy vùng.
Sau khi lên Măng Đen, thuê 3 ha đất nông nghiệp (vì làm gì có tiền mua, may mà cô chủ đất lấy mình mỗi năm có mấy triệu đồng/ha thôi), mình mua giống này nọ trồng, diện tích nho nhỏ trước, tiếp thị rồi mở rộng ra thêm. Khi được làm chủ cái farm nhỏ, mình mới thấy vui vẻ hạnh phúc, dù có tháng không có đồng nào, có tháng lỗ chỏng vó, có bữa trúng mánh vì có mối lớn lấy hàng. Nhưng mình thấy thú vị với áp lực. Đời đại bàng phải bữa đói bữa no. Thích bão giông. Còn luôn có ăn sẵn, lúc nào cũng no, thích chăn ấm nệm êm, ham thú vui thị thành vật chất kiểu gà, mình không thấy thích nữa.
Khi mình bỏ tất cả lên Măng Đen, cha phản đối từ mặt, mẹ khóc lên xỉu xuống, bạn gái kiên quyết đòi chia tay. Nhưng mình vẫn cứ đi. Làm trai là dọc ngang thiên hạ chứ sống chi mãi ở một thành phố. Cứ bịn rịn quyến luyến quá thì làm sao có cơ nghiệp lớn được.
Mùa thu hoạch đầu, dư được hơn chục triệu, mình về làm hộ chiếu, đưa cha mẹ đi du lịch, cái họ vui vẻ trở lại. Giờ có hỏi thì họ nói "thì hồi đó ba mẹ đâu có biết con có cái đầu của chim đại bàng đâu, ba mẹ vẫn muốn nuôi con kiểu gà công nghiệp để con sung sướng, an nhàn". Cha mẹ nào chả lo lắng và sợ hãi đủ thứ, chỉ có đứa con bản lĩnh dứt ra hay không mà thôi. Và nhiệm vụ của con cái là phải chứng minh sự trưởng thành chững chạc cho cha mẹ yên lòng, rồi muốn bay đi đâu thì bay. 18 tuổi, phải tự đi làm thêm và tự chủ tài chính, vẫn chu toàn việc học một cái nghề nào đó để có thể kiếm sống cho bản thân, thì sẽ thành đại bàng sớm.
Nhưng tuổi nào cũng từ gà thành đại bàng được nếu bạn muốn.
Muốn, tìm đường.
Hem muốn, tìm lý do giải thích"


1. Ăn uống
Gà: Phụ thuộc người khác. Sáng trưa chiều luôn được cho ăn. Không lo bị đói. Cái này gọi là " sướng, nhàn, ổn định".
Đại bàng: Tự thân vận động. Sáng sớm phải nhịn đói và đánh cược với mưu sinh. Có bữa cực no với con mồi to, ăn muốn lòi họng. Cũng có bữa đói xanh mặt.
2. Chỗ ở
Gà: Được cung cấp chỗ che mưa che nắng, thích thú với chuồng đẹp, chuồng to hơn. Sáng thức dậy ra khỏi chuồng đi vòng vòng, chạng vạng là vô lại ngủ. Cái ngày gà gọi là "an cư lạc nghiệp".
Đại bàng: không nơi đâu là nhà. Nay sống hẻm núi này, mai sống ở vực sâu kia, mốt ở đại ngàn nọ. Ưa bấp bênh, sống một đời phóng khoáng, tự do.
3. Địa bàn cư trú
Gà: gà nghèo thì ở cái chuồng nhỏ, giàu thì ở cái trang trại lớn hơn tí xíu, nhưng luôn có lưới rào. Khi mưa gió vào chuồng ngay. Nửa đêm bị tóm bởi bọn trộm gà.
Đại bàng: mênh mông, không có giới hạn về địa lý. Khi có giông bão, lập tức bay ra kiếm mồi vì đây là lúc dễ kiếm nhất. Chưa có khái niệm "trộm đại bàng".
4. Rủi ro:
Gà: 100% phải có giá trị sử dụng như báo thức, đẻ trứng, truyền giống, cung cấp thực phẩm. Chủ cải thiện đời sống hay có khách tới chơi là vặt lông làm thịt. Kẹt tiền là bị cột chân ra chợ trao đổi hàng hoá. Cuối đời là khoả thân nằm bên cạnh đĩa muối lá chanh rau răm. Khoả thân mà miệng phải ngậm hoa hồng.
Đại bàng: buộc phải giỏi, nếu không sẽ bị đào thải. Nếu kém cỏi, phán đoán kém, ít kinh nghiệm sẽ bị súng săn pằng pằng. Nếu kiếm mồi dở sẽ bị đói giơ xương. Cuối đời là bỏ xác giữa một nơi nào đó giữa đại ngàn, sau mấy chục năm tung cánh.
5. Tính cộng đồng
Gà luôn ồn ào, con đực gáy, con mái cục tác, lúc nào cũng đông vui. Gia tộc, bạn bè xúm xít chè chén quanh đĩa thức ăn, bàn chuyện thời sự về mấy con gà hàng xóm. Nghĩ chuyện cơ bản như tranh ăn, tranh giành quyền xxx (đạp mái) cả ngày. Lúc nào cũng kèn cựa, tức tối vì con kia gáy hay cục tác to hơn. Nóng máu đòi quánh nhau, chủ nó thấy có "tố chất" bèn bồi dưỡng thành "gà đá".
Đại bàng lúc nào cũng lặng lẽ. Cô độc. Mốt bây giờ gọi là cô đơn thượng "liu".
6. Kết cục của mọi loài là cái chết. Nên lúc sống, tuỳ thích lối sống nào mà tự mình quyết định.


Một sinh viên hoặc độ tuổi trên 18 hiện nay trên thế giới, một ngày người ta làm gì?

Trung bình 1 ngày, ngoài 6-8h cho việc ngủ, còn lại, họ xoay quanh 8 hoạt động sau:

1. Học hành: học ở trường, học nhóm với bạn bè, sinh hoạt với mọi quốc tịch.

2. Làm thêm để tự chủ tài chính cho việc học, việc chơi. Vay mượn để đóng học phí. Kể cả vay của nhà nước hay cha mẹ. Còn chi phí sinh hoạt thì do làm thêm mà có. Ai làm thêm đều rất tự hào và được xã hội đánh giá cao.


3. Chơi thể thao, tập thể dục. Dù một mình vẫn chơi, vẫn tập.

4. Làm việc nhà. Từ giặt giũ nấu ăn đến giữ vệ sinh nơi ở. Nhà lau mỗi ngày 1 lần, mùng mền chiếu gối mỗi tuần một lần. Luôn thơm tho sạch sẽ nơi ở và cơ thể.

5. Đọc sách. Mỗi tuần một cuốn sách. Đọc mọi lúc mọi nơi.

6. Gặp gỡ bù khú với bạn bè vào tối cuối tuần. Cà phê, mua sắm, uống 1 ly bia hoặc 1 cốc rượu vang trong quầy bar. Vài ba tháng là tổ chức đi chơi xa. Nếu bạn bè bận thì tự đi một mình, đeo ba lô lang thang khắp thế giới.

7. Dù cha mẹ ở cùng tỉnh, thành phố nhưng họ đều kiên quyết dọn ra ngoài, thuê phòng ở riêng. Trừ vài bạn khờ khạo hoặc ngây ngô hoặc kém tự tin. Họ không thích học ĐH ở cùng thành phố, ví dụ người New York nhưng họ dọn qua Los Angeles học, người Seoul dọn qua Busan, người Tokyo dọn xuống Osaka...để thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình, tự trưởng thành, thành "đại bàng" trong nhận thức và tư duy. Ít bạn dân Sài Gòn mà học ĐH ở Sài Gòn, dân Hà Nội lại học ở Hà Nội, dân Cần Thơ lại học ở Cần Thơ...trừ mấy đứa "gà". Việc ở nhà cha mẹ, ăn cơm mẹ nấu rồi đến trường, xin tiền cha mẹ như học sinh phổ thông là rất buồn cười. Lỗi là do bạn trẻ đó không có bản lĩnh hoặc kém cỏi không đủ sức để tự lập.

Nếu trên 18 mà còn dựa vào cha mẹ, ở chung với cha mẹ thì tư duy dễ bị phụ thuộc, dựa dẫm, non nớt, khó làm nên nghiệp lớn về sau. Làm cái gì cũng phải "xin phép bố em một tiếng, cha em gật đầu mới được, mẹ em không cho nên thôi, gia đình em không chịu nên em xin phép rút ....". Ớn quá ớn.

8. Online xem tin tức và cập nhật mạng xã hội: lúc ăn sáng. Ăn trưa. Tối trước khi ngủ. Nhưng không quá 30 phút mỗi lần. Họ nói nếu dành thời gian cho hoạt động này nhiều thì sẽ lãng phí tuổi trẻ.



Bạn năm nay bao nhiêu tuổi?

Bạn phân bổ thời gian 1 ngày của mình thế nào? Có giống tuổi trẻ thế giới hem?

Bạn là tuổi trẻ, nếu không có những hoạt động giống tuổi trẻ thế giới (như trên) thì tương lai của bạn sẽ khác.

Và tương lai nước mình cũng sẽ khác.

Các bạn cuối 9x vừa hoàn thành xong kỳ thi trung học và xét tuyển ĐH, một cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Các admin group TnBS xin chúc các bạn trẻ đã hoàn thành 12 năm giáo dục phổ thông, "phổ thông" ở đây có nghĩa là ai cũng cần nên hoàn tất nó để vào đời.
Các admin, dù ít dù nhiều cũng tạm gọi có chút thành đạt trong con đường mình lựa chọn. Có bạn làm giáo viên thì trở thành người giáo viên dạy giỏi, được nhiều học trò theo học. Có bạn làm kinh tế thì đã có công ty xí nghiệp. Có bạn làm bác sĩ và đang tu nghiệp ở nước ngoài. Có admin làm nông nghiệp và cũng sở hữu cái trang trại nhỏ. Cả chục admin, mỗi người một nghề, nhưng đều từng bước leo lên đỉnh cao nghề nghiệp mình lựa chọn cả.
Từng là thí sinh, admin chân thành khuyên các bạn thi xong nên nghỉ ngơi 1-2 tuần, đi chơi xa cho đã nếu có điều kiện, hoặc ở nhà phụ giúp gia đình. Nhất là phải động chân động tay, tự mình giặt giũ nấu nướng dọn dẹp phòng ốc nhà cửa. Tuyệt đối tránh xa các buổi liên hoan chè chén, tỷ thí rượu bia rồi phóng xe máy vèo vèo trên đường, năm ngoái đã có nhiều tai nạn đáng tiếc. Các bạn còn trẻ, nên tiết chế năng lượng, không a dua bốc đồng sĩ diện này nọ. Đời còn dài và ước mơ nào cũng đẹp.


Và quan trọng nhất là các bạn nên đọc sách. Việc đọc sách liên quan mật thiết đến tư duy ngôn ngữ và khả năng giải quyết vấn đề (xem hình).
Cuối tuần này, cứ đến nhà sách, lựa sách mình ưa thích, nếu không biết mua gì thì cứ tham khảo top ten (tốp 10) bán chạy. Bán chạy dĩ nhiên là đã được thị trường đánh giá cao, phù hợp đám đông, có ích cho họ nên họ mới mua. Sách self-help thì đọc vài cuốn thôi, nội dung giống nhau hết à. Mình nên đọc sách văn học phương Tây, sẽ giúp các bạn hoà nhập nhanh chóng thành công dân toàn cầu sau này (search: các tác phẩm văn học nước ngoài kinh điển).

Về phía TnBs, dượng Tony thì đã nghỉ viết từ tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên đội ngũ admin cũng đã kịp lấp khoảng trống với nhiều bài có chất lượng, phần lớn đều được dượng Tony đọc qua và đồng ý cho đăng. Các admin đều làm các ngành nghề khác nhau, nhưng có điểm chung là lấy cảm hứng từ 2 cuốn sách của dượng viết, đọc đi đọc lại mà tạo ra nhiều thói quen tích cực, trong đó có thói quen đọc sách, tập thể dục, học ngoại ngữ, đi làm thêm, tính kỷ luật. Và từ đó có tất cả.
Mời các bạn đọc một bài review cảm nhận mà admin nghĩ là cô đọng được hết nội dung hai cuốn sách cần truyền tải. Các bạn nên tự mua hai cuốn sách này trong nhà sách, hoặc không có tiền thì đọc trên mạng online, tuy nhiên việc cầm đọc sách giấy vẫn thể hiện một nét sang trọng riêng, và nó cũng khiến bạn tập trung hơn, lĩnh hội tốt hơn. Trong thời gian chờ đợi kết quả, ngồi đọc để có nhận thức mới.
Khi có một nhận thức chững chạc, các bạn sẽ đủ khả năng đưa ra những quyết định chọn nghề phù hợp khi có kết quả thi.


Những người thông thái, các nhà quản trị cấp cao...đều thuộc nằm lòng bài học con khỉ và quả chuối. Họ áp dụng để nhận biết bản chất con người, của nhân viên, của cộng sự....để biết ai nên đi xa với mình. 
"Trước đồng tiền, bản chất con người thế nào sẽ lòi ra thế ấy" 
(trích Trên đường băng, trang mấy quên rồi)

Có câu khá hay: "Tiền là máu, là nước mắt của bao thế hệ nên có một giá trị tâm linh rất lớn. Phải của mình làm ra, thật sự đổ mồ hôi công sức thì sẽ giữ được. Còn nếu không, sớm muộn cũng ra đi theo quy luật riêng, bất luận ai cũng cố giữ".

Người xưa thường thử thách lòng người như bắt đấm để thưởng xôi, nên nhiều người đã "cố đấm" đến kiệt sức để được "ăn xôi", nhưng khi đấm xong thì mệt quá, mở miệng ra không nổi. Hay chơi trò treo tiền trên cột mỡ, nam thanh nữ tú thi nhau treo lên để lấy tiền, trơn tuột, nhưng hầu như không ai từ bỏ ý định.



Ở châu Á, càng nhiều con bố mẹ càng khổ. Dù giáo dục thế nào, "cha chung không ai khóc", kể cả những trí thức bậc thầy như Lý Quang Diệu, con cái họ đều bậc tinh hoa hàng đầu nhưng vẫn choảng nhau khi cha mất. Bất luận giáo huấn dặn dò hay di chúc, cứ còn "để lại" là còn bất đồng, tranh giành, từ mặt.

Còn ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, ngày làm đám tang cha mẹ cũng là ngày toà nhận được đơn tranh chấp, dù là căn nhà nhỏ của cha mẹ, miếng đất hương hoả của ông bà hay quyền sở hữu những tập đoàn lớn. Ráng đẻ nhiều con, cho ăn học thật nhiều, thương yêu thật nhiều, hy sinh thật nhiều, tưởng là "phúc" nhưng cuối cùng lại sinh "hoạ". Cố lấy về mọi thứ (có thể) cho gia đình, gia tộc, con cái...nhưng lại chính bị gia đình, gia tộc, con cái ấy làm cho khổ tâm một đời. Người phương Tây họ gọi hiện tượng này là "lời nguyền châu Á".

Ba cái khiến người ta khổ là "tham, sân, si". Tham đứng đầu. Khi nào con người đủ nhận thức để nhận ra "phúc phần" của mình, muốn giàu có thì tự làm để tạo ra, không tham giành giật phần của người, thì tự dưng sẽ hạnh phúc.

Hạnh phúc, đơn giản chỉ là một cảm giác.

1. Vì sao một ông chủ liên tiếp gặp khó khăn, cũng sẽ không buông xuôi, nhưng một công nhân hay nhân viên mới vào làm, thấy việc không thuận lợi liền lập tức bỏ việc?
Vì sao một đôi vợ chồng liên tục mâu thuẫn, cũng sẽ không dễ dàng ly hôn; nhưng một đôi tình nhân sống thử, hễ gặp một chuyện nhỏ lại có thể nhanh chóng đường ai nấy đi?
2. Trong xã hội, chúng ta sẽ gặp 3 loại người khác nhau về giá trị nhận thức. Cách phân biệt là dựa vào mức độ chịu đựng sự thực của họ.
Đối với người thượng đẳng, tức người có lòng dạ ngay thẳng, chính trực, thì chúng ta cư xử thoải mái, có thể đánh có thể mắng, cứ có sao nói vậy, họ chịu đựng được hết.
Đối với người trung đẳng, cần dùng phép ẩn dụ, bởi họ chịu không nổi trách mắng hay nói sự thực. Lấy ví dụ này ví dụ kia, miễn đừng trực tiếp họ là được. Họ sẽ ngẫm ra là mình cũng giống vậy mà sửa chữa.
Đối với người hạ đẳng, bởi tầm mắt lòng dạ eo hẹp, chỉ nên dùng lễ tiết hay những lời nói hoa mỹ mà đối đãi. Còn không thì im lặng. Dùng được thì dùng, không thì tránh đi, không nên nghĩ đến quan hệ lâu dài. Với nhóm người này, tuyệt đối không nói sự thực (là họ như thế) vì họ không chịu được chỉ trích, phê bình. Họ sẽ giận dỗi hoặc trả đũa.
3. Một người không biết bơi, cho dù có thay đổi bể bơi cũng không giải quyết được vấn đề; Một người không biết làm việc, cho dù có thay đổi công việc thì cũng không giải quyết được năng lực của họ.
4.
5. Bản thân chúng ta là nguồn gốc của tất cả, vậy nên muốn thay đổi hết thảy, đầu tiên phải thay đổi chính mình! Thế giới của bạn là do bạn sáng tạo ra; những gì của bạn hết thảy đều là do bạn sáng tạo ra.
"Một ngày nọ, tiểu hòa thượng chạy tới thỉnh giáo lão hòa thượng: “Sư phụ, đời người ta có giá trị lớn như thế nào?”
Lão hòa thượng nói: “Ngươi hãy ra sau hoa viên, dọn sạch một tảng đá, sau đó đem ra chợ bán. Nếu có người hỏi giá, ngươi không cần phải nói gì, chỉ cần chìa hai ngón tay ra. Nếu người ta trả giá, thì ngươi cũng không cần bán, cứ ôm đá về. Sư phụ sẽ nói cho ngươi biết, giá trị nhân sinh lớn như thế nào!”
Vâng lời sư phụ, rạng sáng hôm sau, tiểu hòa thượng ôm tảng đá mang ra chợ bán.
Trong chợ người đến người đi, mọi người rất tò mò, có một bà tới hỏi: “Tảng đá này bán bao nhiêu tiền?”. Tiểu hòa thượng không nói gì, chỉ giơ hai ngón tay ra.
Bà nói: “Là 2 đồng?”. Hòa thượng lắc đầu, bà kia lại nói: “Như vậy là 20 đồng? Được rồi, được rồi! Ta sẽ mua về để nén dưa muối”.
Tiểu hòa thượng nghe thấy thế thì thầm nghĩ: “Ôi, tảng đá không đáng một đồng này lại có người bỏ ra 20 đồng để mua! Chúng ta trên núi còn có rất nhiều!”.
Sau đó, nghe lời dặn của sư phụ, tiểu hòa thượng vẫn không bán, ôm đá chạy về gặp sư phụ:
“Sư phụ, hôm nay có một vị bỏ ra 20 đồng để mua tảng đá. Sư phụ, ngài bây giờ có thể nói cho con biết, đời người ta có giá trị lớn như thế nào đi!”.
Thiền sư nói: “Không vội, ngươi sáng mai hãy đem tảng đá kia đến nhà bảo tàng, ngươi cứ như cũ”.
Sáng hôm sau, ở trong viện bảo tàng, một đám người tò mò vây lại xem, xì xào bàn tán:
“Một khối đá bình thường như thế này, có giá trị gì đâu mà đem vào viện bảo tàng chứ?”.
“Nếu tảng đá này được bày biện trong viện bảo tàng, thì nó nhất định có giá trị, chỉ là chúng ta không biết mà thôi”.
Lúc này, có một người từ trong đám đông đi tới, lớn tiếng nói với tiểu hòa thượng:
“Tiểu hòa thượng, tảng đá này giá bao nhiêu tiền vậy?”. Tiểu hòa thượng không nói gì, chỉ giơ hai ngón tay ra.
Người kia nói: “200 đồng?”. Tiểu hòa thượng lắc đầu, người kia lại nói: “Vậy thì 2.000 đồng đi. Tôi muốn mua nó để điêu khắc một pho tượng”.
Tiểu hòa thượng nghe đến đó, lùi lại một bước, vô cùng kinh ngạc. Cậu vẫn theo lời dặn của sư phụ, không bán và ôm tảng đá kia về núi:
“Sư phụ, hôm nay có người muốn bỏ ra 2.000 đồng để mua tảng đá kia. Bây giờ thì ngài nói cho con biết, giá trị của đời người lớn nhất là gì đi!”.
Lão hòa thượng nói: “Ngươi ngày mai hãy đem tảng đá kia đến tiệm đồ cổ, vẫn giống như cũ.”.
Ngày thứ ba, tiểu hòa thượng lại ôm tảng đá kia đi tới một cửa hàng đồ cổ, vẫn giống như trước, một số người vây lại xem, rồi bàn tán: “Đây là đá gì? Khai quật ở đâu vậy? Có từ triều đại nào đây?”.
Cuối cùng có một người tới hỏi giá: “Tiểu hòa thượng, tảng đá này bán bao nhiêu tiền?”.
Tiểu hòa thượng vẫn như cũ, im lặng không nói, chỉ giơ hai ngón tay lên.
“2.000 đồng?”. Tiểu hòa thượng nghe vậy thì trố mắt, há hốc mồm, kinh ngạc thốt lên: “Hả?”.
Vị khách kia nghĩ là mình trả giá quá thấp, đã chọc tức tiểu hòa thượng, lập tức chữa lời: “À không! Không! Tôi nói nhầm, tôi sẽ trả cho cậu 20 vạn tiền”.
“20 vạn”. Tiểu hòa thượng nghe đến đó, lập tức ôm lấy tảng đá, chạy vội về núi gặp sư phụ. Vừa tới nơi, cậu thở hổn hển nói: “Sư phụ, sư phụ, bây giờ chúng ta có thể phát đạt rồi. Hôm nay có thí chủ trả 20 vạn tiền để mua tảng đá này! Giờ thì ngài nói cho con biết, giá trị lớn nhất của đời người là gì đi!”.
Lão hòa thượng xoa đầu tiểu hòa thượng, nói:
“Tiểu tử à, cuộc đời ngươi có giá trị lớn ngần nào, cũng giống như tảng đá kia vậy. Nếu ngươi đem mình ra chợ bán, ngươi chỉ có giá 20 đồng; nếu ngươi đem mình vào trong viện bảo tàng, ngươi liền có giá trị 2.000 đồng; nếu ngươi đem mình đặt ở tiệm đồ cổ, người có giá 20 vạn đồng! Nền tảng khác nhau, sẽ đặt định vị trí khác nhau, giá trị nhân sinh cũng sẽ vì đó mà hoàn toàn khác biệt!”.
Câu chuyện này liệu có khiến bạn suy nghĩ về chính mình và tự hỏi, cuộc đời mình đang được đặt ở vị trí nào đây?
(Đọc tiếp trong link).


Những năm đầu thập niên 80, cứ 5 chiều trên chuyến phà Rạch Miễu từ Bến Tre sang Mỹ Tho, người ta thấy có một cô bé da trắng, tóc dài, ôm cái cặp đi học tiếng Anh. Lúc đó ở Bến Tre chưa có trường dạy ngoại ngữ nào. Cô bé đó là người thứ 2 ở tỉnh có bằng C sau cô giáo dạy tiếng Anh của mình. Ai hỏi thì cô nói là "con muốn đi ra nước ngoài mở mang đầu óc, nên con phải biết tiếng của người ta".
Học xong cấp 3, cô thi vào trường trung cấp du lịch để học nghề, ban đêm cô còn học thêm tiếng Anh tại chức ở ĐH Sư phạm. Cô đam mê đi lại, di chuyển, phục vụ người khác nên quyết tâm chọn nghề hospitality (du lịch, phục vụ).
Vừa học vừa làm, sau 7 năm làm hướng dẫn viên du lịch một cách cật lực, cô quyết định nghỉ. Tiền tích luỹ, cô mang hết về mua đất ở một khu vực khá hẻo lánh cách thành phố Bến Tre 30 phút xe chạy. Lúc cô mua đất, ai cũng cười vì trên phố hem mua, tự nhiên đem tiền vô mua đâu tuốt trong làng, đâm đầu vô chỗ heo hút, toàn dừa và ruộng.
Cô nói kinh nghiệm đi mấy chục tỉnh thành, mấy chục nước khiến cô biết đây là mỏ vàng, vì không có nơi nào trên thế giới có cảnh vật con người văn hóa y chang vậy. Cô bèn cho người đắp đất, dựng chòi tranh liêu xiêu dưới mấy cây dừa (nhưng bên trong lại là phòng ngủ sang trọng như khách sạn 4 sao). Cô còn tự thiết kế tàu du lịch trên sông, tự ngồi đọc bản vẽ, tự đi chọn vật tư để đóng tàu, tự đăng ký kiểm định và làm mọi thứ. Từ đó, một miếng đất lau sậy đã biến thành một khu resort lung linh, đẹp như tranh vẽ (vấn đề là ai vẽ).
Dù đã là một bà chủ, hàng ngày cô vẫn bận áo bà ba, tự tay lựa và trồng cây để 100% diện tích xanh mát, cây cối mọc đan xen nhau một cách tự nhiên. Hiện resort sinh thái Mango Home Riverside đã giải quyết cho cả trăm lao động. Đội tàu khách hai ba chục chiếc, ngược xuôi trên sông, toàn Tây cả. Khách Tây nườm nượp mò đến, dù phải đi mất mấy tiếng đồng hồ từ sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng họ thích lắm, họ nói bây giờ mà resort mở đường lớn, dời ra mặt tiền, trong vườn thiết kế cảnh quan chỉnh chu thì tụi tao hem đến nữa. Gu du lịch của Tây khác gu Việt, cái này phải phục vụ họ nhiều mới nắm được.
Hàng ngày, khách Tây ở đây sẽ tham gia mọi hoạt động sản xuất kinh doanh như cư dân trong làng. Đi tát ao bắt cá, leo cây hái mận hái xoài hái dừa, chèo xuồng đi chợ xổm ngồi lê ăn hàng nói chuyện đôi mách, đi phụ nấu ăn đám giỗ nhà bên cạnh, tham gia làm bánh tráng mật ong lò bún này nọ…với dân địa phương. Dân trong làng giờ ai cũng nói chuyện tiếng Anh như gió. Bà bán bánh tét cũng biết đếm đô la và xài smartphone để theo dõi tỷ giá. Gặp Tây là tiếp thị liền, “Tét Cay hia, hu bai hu bai (đoán là Tét Cake here, who buy who buy)”.
Dù có biệt thự thiệt bự ở Phú Mỹ Hưng để cho thuê, di nước ngoài như đi siêu thị, cô vẫn dành phần lớn tiền bạc và thời gian để đầu tư ở huyện nhà. Cô nói, tại hồi xưa cô có lần thi học sinh giỏi huyện môn TỪ NGỮ, NGỮ PHÁP và đoạt giải khuyến khích. Mà một học sinh giỏi huyện thì phải đem thành tựu gì đó về cho huyện mình chớ.
Cô nhắn nhủ, nếu bạn từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố thì hãy làm cái gì đó đền ơn cho cho tỉnh, cho thành phố mình. Còn nếu từng là học sinh giỏi quốc gia thì phải có thành tựu, giúp quốc gia tăng Gi Đi Pi(GDP), tinh hoa mà, có phải người thường đâu. Cô nói vì cô bị rớt HSG tỉnh nên tài năng chỉ có chút xíu vầy. Nếu lúc đó cô đậu HSG tỉnh thì bây giờ khắp Bến Tre, huyện nào cũng có 1 cái resort. Còn nếu cô đậu HSG quốc gia thì giờ tỉnh thành nào cũng có một cơ ngơi làm ăn sản xuất kinh doanh, thành tập đoàn luôn. Nhưng hồi đó "tôi chỉ đậu giải cấp huyện" - cô ngậm ngùi chia sẻ. Rồi cô bật khóc. Dù sao cô vẫn là sản phẩm của nền giáo dục ham thành tích. Giờ nhận thức khác, cô chuyển qua ham thành tựu.
Cô còn là một mentor (hướng dẫn khởi nghiệp) cho tất cả các bạn trẻ Việt Nam có đam mê làm resort homestay trong làng trong xã để lấy tiền Tây. Các bạn có thể đăng ký các buổi thực tế tại resort của cô do StartUp Study Tour tổ chức nhé. KháchTây ở đó 1 đêm, cô lấy tới mấy trăm đô la, riêng các bạn trẻ khởi nghiệp thì cô chỉ lấy lại đúng chi phí tiền ăn tiền điện nước, còn chia sẻ tận tình miễn phí cách làm ăn nữa.
À, mà xuống đó gặp cô đừng nói là cô Nhung nhé, phải gọi là dì Nhung thì cổ mới chịu. Dân quê Nam Bộ mà, gọi cô nghe xa cách lắm người ơi.
Không có hình dì Nhung, trên mạng thấy có cô chèo thuyền này giống giống nên admin mượn đỡ. Hàng ngày Dì Nhung vẫn mặc bà ba màu hường chèo thuyền đưa du khách tham quan trên mấy con rạch. Dì hát cải lương bằng tiếng Anh cũng ngọt.
Chuyện dễ thương. Các bạn share nhau mà đọc. Bài này hem phải bài PR vì khách của Mango Home Riverside gần như 100% là khách Tây. Bài này đăng để các bạn xem bắt chước mô hình mà làm ở địa phương mình, kiếm đô la chơi cho vui.


Được tạo bởi Blogger.